Chia sẻ kinh nghiệm tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm giữa các trường nghề

Trong 2 ngày 20 -21/7, Đoàn công tác của Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề CTXH Việt Nam cùng với Trường CĐ Điện Biên đã có chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm quản lý, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn tại CĐ nghề An Giang và Trung cấp nghề Dân tộc Nội trú An Giang.

Ông Tô Xuân Giao – Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội, phụ trách VP phía Nam phát biểu tại buổi giao lưu gặp gỡ của các trường     

Đoàn công tác do ông Tô Xuân Giao – Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội, phụ trách VP phía Nam làm Trưởng đoàn cùng đại diện lãnh đạo CĐ nghề Điện Biên là Phó hiệu trưởng Bùi Thu Hiền.

      Tại buổi làm việc, Ban giám hiệu CĐ nghề An Giang và Trung cấp nghề Dân tộc nội trú An Giang đã chia sẻ nhiều thông tin toàn diện về kinh nghiệm quản lý và đào tạo, kinh nghiệm tuyển sinh hướng nghiệp, đặc biệt là đối tượng con em đồng bào dân tộc thiểu số.

       Kết nối với doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu

      Chia sẻ tại buổi làm việc, lãnh đạo CĐ nghề An Giang cho biết, nhà trường là cơ sở giáo dục nghề nghiệp cung cấp dịch vụ đào tạo đa ngành, đa hệ đào tạo có chất lượng cao, đáp ứng nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xuất khẩu lao động, tạo cơ hội học tập thuận lợi cho học sinh, sinh viên và người lao động.

       Cao đẳng nghề An Giang đã thành lập từ năm 2007 trên cơ sở sáp nhập 2 trường (Trung cấp Kinh tế- Kỹ thuật An Giang và Trường Dạy nghề An Giang) tại địa chỉ số 841 Trần Hưng Đạo, phường Bình Khánh, TP Long Xuyên, Tỉnh An Giang. Với diện tích gần 40.000 m2, Trường có hơn 100 phòng học và 80 xưởng thực hành, 13 phòng máy tính, cùng nhiều cơ sở vật chất được đầu tư mới, hiện đại và bắt kịp với xu yếu của nhu cầu lao động của thị trường hiện nay. Đặc biệt, Trường là đơn vị duy nhất trong tỉnh được cấp giấy chứng nhận đạt kiểm định chất lượng cơ sở GDNN theo tiêu chuẩn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

       Các ngành nghề nổi bật của trường đang đào tạo như Điện CN, Kỹ thuật máy lạnh và điều hoà không khí, Công nghệ ô tô, Cơ điện tử, Quản trị nhà hàng, Công nghệ kỹ thuật kiến trúc, Cơ khí xây dựng, Hoạ viên kiến trúc,… trong tổng số 25 ngành/ nghề đào tạo của trường.

       Qua nội dung đại diện các Trường chia sẻ tại buổi làm việc cho thấy, các trường có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít thách thức về kinh nghiệm quản lý và đào tạo, tuyển sinh hướng nghiệp.

       Trong đó, sự kết nối với các doanh nghiệp là vấn đề được tất cả các trường nhận định là yếu tố rất quan trọng và ưu tiên hàng đầu để nâng cao chất lượng đào tạo học viên.

       Vấn đề này cũng đang là khó khăn của Trường CĐ An Giang khi cần đẩy mạnh công tác đào tạo các ngành nghề trọng điểm và đáp ứng nhu cầu khởi nghiệp. Ngoài ra, với các ngành nghề đào tạo đang là thế mạnh của trường như: Điện công nghiệp, Công nghệ ô tô,… nhà trường cũng rất mong muốn được học hỏi thêm về các phương án truyền thông và thu hút lực lượng học viên để đạt chỉ tiêu mã ngành trong tương lai.

       Theo thầy Nguyễn Thanh Hải – Hiệu trưởng CĐ An Giang, việc mở ra các ngành mới chưa phù hợp trong giai đoạn hiện tại do thiếu hụt lực lượng giáo viên giảng dạy cùng với tiêu chí tuyển sinh khó đạt chỉ tiêu mong muốn.

       Cần có những phương án đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để phân luồng các hệ thống giảng dạy, ví dụ như về học lý thuyết sẽ gắn kết với các trường đào tạo để tập hợp học viên theo học sau đó sẽ gửi về lại cơ sở quản lý để đào tạo thực hành.

       Bên cạnh đó, trường CĐ An Giang cũng đã từng bước thực hiện việc chuyển đổi số trong các hoạt động điển hình trong: tuyển sinh, quản lý đào tạo, truyền thông, lưu trữ,… Kết quả thực hiện tuy còn khiêm tốn nhưng đã dần hình thành tư duy chuyển đổi số trong môi trường giáo dục của nhà trường, làm tiền đề cho việc chuyển đổi số trở nên sâu rộng và toàn diện hơn.

Quang cảnh buổi làm việc

Chú trọng giới thiệu việc làm sau tốt nghiệp

Chia sẻ về kinh nghiệm của Trung cấp nghề Dân tộc nội trú An Giang, Hiệu trưởng Cao Văn Thích cho biết: “Không chỉ đào tạo nghề, nhà trường luôn có kế hoạch đào tạo linh hoạt, gắn kết giữa dạy nghề với thị trường lao động; đồng thời chú trọng giới thiệu việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp. Do đó, thời gian vừa qua, tỷ lệ lao động động có việc làm sau đào tạo của trường luôn đạt cao. Bên cạnh đó, trường luôn thực hiện đầy đủ các chế độ như cấp học bổng, hỗ trợ mua BHYT…”.

Đồng quan điểm với Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Hải của CĐ An Giang về tầm quan trọng của việc hợp tác với doanh nghiệp, Hiệu trưởng Cao Văn Thích nói thêm về thực tế tại Trung cấp nghề Dân tộc nội trú An Giang: “Chúng tôi luôn đẩy mạnh hợp tác với các công ty, doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo và tìm kiếm đầu ra cho học sinh, sinh viên; chú trọng xây dựng môi trường học tập thân thiện, an toàn và củng cố phát triển đội ngũ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Số học sinh ra trường có việc làm ổn định với mức lương từ 4 triệu đến 15 triệu đồng chiếm tỷ lệ 80%, một số học sinh đang làm việc tại Campuchia”.

Cũng theo Hiệu trưởng Cao Văn Thích, để thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo của nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho con em đồng bào vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh An Giang nói chung, thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền các địa phương điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, định hướng tư vấn, giới thiệu việc làm; xác định nghề đào tạo phù hợp với từng địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức xã hội về công tác học nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho lao động nông thôn.

Thầy Cao Văn Thích – Hiệu trưởng Trung C nghề Dân tộc nội trú An Giang nhận quà lưu niệm từ cô Bùi Thu Hiền – Phó hiệu trưởng CĐ Điện Biên.

Công tác tuyển sinh cũng được nhà trường chú trọng triển khai kịp thời, linh động, sáng tạo trong khâu tổ chức. Trong năm, trường tổ chức nhiều hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh học nghề tại các trường THCS trên địa bàn huyện Tri Tôn, Tịnh Biên.

Nói về kết quả tuyển sinh, Hiệu trưởng Cao Văn Thích cho thấy những số liệu rất tốt từ các chính sách điều hành của nhà trường: Trung cấp tuyển 825/400 học sinh đạt tỉ lệ 206,3%; Giáo dục thường xuyên cấp THPT 564 học viên; Dạy nghề cho lao động nông thôn 745/300 học viên đạt tỉ lệ 248%; trình độ sơ cấp 115/60 đạt 191,7%: dạy nghề dưới 3 tháng 630/240, đạt 262%.

Quang Trung