Kỹ năng lao động - Chìa khóa mở cửa tương lai: Câu hỏi của người thợ hồ và đáp án từ kỹ năng nghề

    Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau khi tốt nghiệp THPT, Đỗ Công Nguyên quyết định vào Nam tìm việc. Anh nhận đủ mọi việc từ phụ hồ, xay xát gạo, nuôi tôm, in mẫu quần áo đến phụ việc trong nhà máy khu công nghiệp… Một ngày của Đỗ Công Nguyên bắt đầu từ 4h sáng với quãng đường đạp xe hơn 40 km để đến chỗ làm đúng giờ và trở về nhà khi đêm đã khuya. Anh thường xuyên phải vác trên vai những bao xi măng, những bó thép nặng 50-60 kg… Tất cả đều là công việc lao động chân tay vất vả, tuy nhiên dù chịu khó đến mấy, mỗi tháng, anh Nguyên cũng chỉ kiếm được số tiền 300-400 nghìn đồng, không đủ trang trải cuộc sống.

     Một lần người quản lý trao cho anh cơ hội việc làm có mức thu nhập tốt. Dù rất hào hứng, mong chờ nhưng Đỗ Công Nguyên gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận với công việc mới.

     “Câu hỏi vì sao mình không thể hoàn thành được công việc đè nặng trong tôi mãi. Nhiều năm sau này, tôi mới tìm ra câu trả lời cho mình, Đó là do tôi chưa được đào tạo bài bản về nghề nghiệp nên không tận dụng được những cơ hội việc làm đến với mình”, Đỗ Công Nguyên chia sẻ. Năm 2002, anh quyết định về Hà Nội học nghề với mong muốn có kiến thức bài bản về nghề và phương pháp tư duy, làm việc hiệu quả hơn.

     Với kỹ năng nghề học được, quyết tâm và sự nỗ lực, trau dồi, tháng 5/2004, anh Đỗ Công Nguyên giành giải Nhất kỳ thi “Kỹ năng nghề quốc gia” và được chọn vào đội tuyển tham gia “Hội thi Tay nghề ASEAN”.

     Tại Hội thi Tay nghề ASEAN, Đỗ Công Nguyên đã xuất sắc giành Huy chương vàng. Đây là lần đầu tiên một đầu bếp Việt Nam giành được giải thưởng cao nhất của hội thi, góp phần vào thành tích đứng đầu Hội thi tay nghề ASEAN của đoàn Việt Nam năm đó. Với kết quả này, Đỗ Công Nguyên được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Bằng khen và năm 2005 anh được tuyển thẳng vào Đại học Thương mại Hà Nội. Anh tốt nghiệp đại học rồi học lên cao học.

Anh Đỗ Công Nguyên hướng dẫn cách thức chế biến món ăn. (Ảnh NVCC)

     Mong muốn chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp tích lũy được, sau khi tốt nghiệp, anh Nguyên trở thành giảng viên Trường Đại học Thương mại. Kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, câu chuyện vượt khó vươn lên của anh Đỗ Công Nguyên đã trở thành tấm gương và truyền cảm hứng đến các thế hệ sinh viên của Trường Đại học Thương mại. Năm 2020, Đỗ Công Nguyên được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội) vinh danh là một 10 Đại sứ kỹ năng nghề đầu tiên của Việt Nam.

     Tương tự câu chuyện của Đại sứ Đỗ Công Nguyên, ban đầu anh Hoàng Nhân Thắng (Huy chương Vàng Kỳ thi tay nghề ASEAN 2004) suy nghĩ rằng nghề mộc chỉ là nghề lao động chân tay giản đơn, không đòi hỏi trình độ chuyên môn gì, chỉ cần mô phỏng, bắt chước theo là được.

     Trải qua 2 năm học nghề ở trường Công nhân kỹ thuật Chế biến gỗ Trung ương (Hà Nam) anh mới biết, từng thao tác đều có những tiêu chuẩn kỹ thuật, nguyên lý riêng của nó. “Nghề mộc hiện nay đã phát triển rất nhanh trở thành nghề sản xuất công nghiệp hiện đại. Người thợ mộc phải có tay nghề, có kỹ năng được đào tạo bài bản, có chuyên môn đọc hiểu bản vẽ kỹ thuật; phải xử lý vận hành được các loại máy móc hiện đại như máy CNC, máy phun sơn tự động…, thực hiện sản xuất đồ gỗ nội thất theo dây chuyền hoặc theo công trình với tiến độ yêu cầu chất lượng cao. Ngoài ra còn phải nắm được các nguyên tắc đảm bảo an toàn lao động trong quá trình làm nghề. Tất cả những kiến thức, kỹ năng đó đều đòi hỏi người thợ phải được đào tạo một cách cơ bản”, anh Thắng chia sẻ.

     Với những nỗ lực, cố gắng cùng những biểu hiện xuất sắc trong học tập, anh Hoàng Nhân Thắng được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi của trường. Anh và các bạn trong đội tuyển liên tục đoạt giải cao trong các cuộc thi kỹ năng nghề quốc gia. Tháng 10/2004, anh Hoàng Nhân Thắng đại diện cho Việt Nam tham dự Kỳ thi tay nghề ASEAN và giành Huy chương vàng. Với thành tích đáng tự hào, anh Thắng được nhà trường mời làm giảng viên dạy thực hành và huấn luyện học sinh giỏi. Ở môi trường mới, anh Thắng tiếp tục phát huy khả năng để đào tạo nhiều thế hệ học sinh giỏi nghề. Liên tục trong nhiều năm liền, học sinh của anh Hoàng Nhân Thắng đều đạt thành tích cao tại các cuộc thi tay nghề trong nước và quốc tế.

     Hành trình của những Đại sứ Kỹ năng nghề Việt Nam đầu tiên như Đỗ Công Nguyên, Hoàng Nhân Thắng không đơn thuần là câu chuyện riêng lẻ của một vài cá nhân vượt lên khó khăn, thử thách của cuộc sống để đi đến thành công. Đó còn là quá trình thay đổi nhận thức về kỹ năng lao động, để rồi chuyển hóa từ lao động giản đơn sang lao động có kỹ năng. Trong hành trình đó, trải qua đủ thăng trầm, hơn ai hết, các anh càng thấm thía giá trị của kỹ năng nghề.

     Câu chuyện của Đỗ Công Nguyên, Hoàng Nhân Thắng cũng là câu chuyện của rất nhiều người trẻ trên hành trình khẳng định bản thân bằng giá trị của kỹ năng.

    Năm 2021, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức hội thi thợ giỏi ngành xây dựng tại các công trình đang thi công. Ông Trần Nhật Thành – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng DELTA, Chủ tịch Hội đồng thi chia sẻ, hội thi là dịp để đánh giá lại người thợ xây dựng Việt Nam ở tầm những tiêu chuẩn, quy trình đòi hỏi công nghệ cao.

     “Người thợ Việt Nam nổi tiếng với sự khéo tay. Tuy nhiên đánh giá trình độ người thợ không chỉ dựa trên sự khéo tay mà còn căn cứ cả quá trình bao gồm tác phong, trang phục, tuân thủ điều kiện an toàn lao động, điều kiện môi trường, trình độ tổ chức mặt bằng, trình độ làm việc nhóm, sự am hiểu vật liệu, quy trình công nghệ xử lý vật liệu; cách thức sử dụng các công cụ thiết bị hiện đại, tiến tiến trong quá trình thi công; cách thức sắp xếp, quản lý thi công… Làm sao tối ưu, hiệu quả nhất quá trình thi công và tạo ra sản phẩm với chất lượng tốt nhất”, ông Thành cho biết.

     Cũng trong năm 2021, GDNN Việt Nam có thêm một dấu mốc đáng nhớ với thành tích Huy chương Vàng nghề Cơ điện tử tại cuộc thi Kỹ năng nghề Cơ điện tử online Châu Á – Thái Bình Dương. Đối mặt với những quốc gia thường xuyên giành thứ hạng cao nhất về nghề Cơ điện tử tại các Kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, đội tuyển Việt Nam đã thể hiện được bản lĩnh, kỹ năng nghề nghiệp của mình.

     “Đội tuyển Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc bài thi, đáp ứng được các yêu cầu về kiến thức lập trình, kỹ năng đi dây, lắp đặt thiết bị. Đặc biệt, tốc độ xử lý của đội tuyển Việt Nam rất nhanh, nhanh hơn so với cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, vốn là những đối thủ hàng đầu thế giới về Cơ điện tử hiện nay.

 

     Thí sinh lập trình của đội tuyển Việt Nam có kỹ năng đánh máy rất ấn tượng. Tiếng Anh của các thí sinh cũng rất tốt bởi đề thi tuy được dịch qua tiếng Việt nhưng với những thuật ngữ tiếng Anh chuyên ngành, nếu không hiểu sẽ rất khó xử lý bài thi sát yêu cầu”, ông Trương Ngọc Hoàng – Giám đốc giáo dục Công ty Festo, chuyên gia giám sát của Ban tổ chức cuộc thi chia sẻ.

     Theo PGS. TS Dương Đức Lân, Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề Công tác xã hội Việt Nam, Cơ điện tử là nghề đặc trưng của thời đại 4.0 với sự tích hợp 3 nghề trong 1, gồm: Cơ khí, điện tử và công nghề thông tin. Công nghệ Cơ điện tử góp phần tạo ra các dây chuyền sản xuất tự động hóa cao cũng như tạo ra sản phẩm có độ chính xác, từ đó góp phần tăng năng suất lao động. với nhiều ưu điểm, công nghệ Cơ điện tử hiện đang được sử dụng rộng rãi trong nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới. Do đó, việc Việt Nam giành được thứ hạng cao trong nghề này chứng tỏ sức mạnh cạnh tranh nghề 4.0 của Việt Nam so với Đông Nam Á và châu Á.

     Thắng lợi của đội tuyển Cơ điện tử Việt Nam cho thấy quá trình chuẩn bị dài lâu về nhận thức nghề nghiệp, nguồn lực. Người lao động Việt Nam đã không còn chỉ giới hạn ở sự khéo léo với những nghề thủ công mà đã chứng tỏ được khả năng ở những nghề công nghệ số. Thắng lợi đó cũng là sự khẳng định cho giá trị kỹ năng nghề trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đồng thời truyền cảm hứng cho những người trẻ trong hành trình tiếp cận, chinh phục, làm chủ kỹ năng.

 

Nội dung: Hải An

Đồ họa: Thanh Phong